Đánh giá về tác động của quyết định áp dụng thuế quan đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam
04/04/2025Ngày 2/4/2025 theo giờ Việt Nam, Mỹ chính thức công bố áp đặt mức thuế quan đối ứng 46% lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.
Bối cảnh sự kiện Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng
Vào ngày 02/04/2025, Tổng thống Donald Trump đã công bố việc triển khai các biện pháp thuế quan đối ứng nhằm vào nhiều đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Động thái này, dù đã được dự báo từ trước, diễn ra sau một giai đoạn căng thẳng thương mại leo thang và ý định của chính quyền Mỹ trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại.
Chính sách thuế quan mới được triển khai theo từng giai đoạn. Mức thuế suất cơ bản 10% áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia có hiệu lực từ ngày 05/04/2025. Tiếp theo, mức thuế suất đối ứng cao hơn dành riêng cho các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ 09/04/2025.

Trong đó, Việt Nam hiện đang phải đối với mức thuế quan đối ứng 46%, đứng sau Campuchia (49%) trong khi một số quốc gia Đông Nam Á khác được áp dụng mức thuế quan thấp hơn như Thái Lan (36%) và Malaysia (24%). Mức thuế quan này cũng nằm ngoài những dự báo trước đây của giới chuyên môn và được coi là một “cú sốc thuế quan”. Mức thuế quan 46% này được hiểu là mức trần cao nhất có thể áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ và sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán vào ngày 09/04/2025 tới.
Phạm vi áp dụng của các loại thuế quan này rất rộng, bao phủ phần lớn hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, bản thông tin tóm tắt của Nhà Trắng đã liệt kê các ngoại lệ cụ thể, bao gồm các mặt hàng chịu thuế theo Mục 232 (như thép, nhôm và ô tô), cùng một số sản phẩm khác như đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, gỗ xẻ, vàng thỏi, năng lượng và các khoáng sản không có sẵn tại Mỹ. Do đó, mặc dù phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ các loại thuế mới, một số ngành có thể được miễn trừ dựa trên các quy định này.
Phản ứng của các nước về thuế quan đối ứng mới
Tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp sau thông tin về việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam. Đòn áp thuế của Mỹ cũng thể hiện uy lực tuyết đối lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết phiên giao dịch 03/04/2025, VN-Index có mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, đóng cửa ở mức 1.229,8 – giảm 87,99 điểm (-6,7%) và kết thúc phiên giao dịch 4/4/2025 VN-index giảm 19,17 điểm (-1,56%) (trong phiên đã có lúc giảm 71,67 điểm, tức -5,83%).
Ngoài Việt Nam, sau đây là tổng hợp phản ứng của một số quốc gia với Quyết định áp thuế của Tổng thống Trump:
- Trung Quốc: Yêu cầu Mỹ hủy bỏ thuế và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả
- Nhật Bản: Thúc giục miễn trừ Nhật Bản khỏi các biện pháp thuế quan
- Canada: Sẽ đáp trả các mức thuế quan của Mỹ bằng các biện pháp đối phó
- Thái Lan: Có kế hoạch “mạnh mẽ” để đối phó mức thuế 36%, đồng thời hy vọng có thể đàm phán để giảm thuế
- Australia: Chỉ trích quyết định là “vô lý” nhưng không trả đũa để tránh lạm phát và sẽ tìm cách đàm phán để xóa bỏ thuế quan
- Ý: Phản đối vì gây thiệt hại chung, kêu gọi đối thoại để tránh chiến tranh thương mại
- Anh: Xem Mỹ là đồng minh, tìm cách đàm phán để giảm tác động tiêu cực
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng các nước không nên vội trả đũa sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới. Ông Bessent cũng cho rằng mức thuế quan có thể không phải là vĩnh viễn và ông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ “chờ xem mọi việc diễn ra như thế nào” trước khi đưa ra bước tiếp theo. Một số bên cũng cho rằng mức thuế quan đối ứng cao cũng là một công cụ đàm phán của Mỹ.
Tổng hợp đánh giá tác động đến nền kinh tế
Tác động đến kinh tế vĩ mô
Tăng trưởng GDP và xuất khẩu: Việc Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam áp đặt các mức thuế quan đáng kể dự kiến sẽ gây ra những tác động kinh tế vĩ mô nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Một phân tích cho thấy, với mức thuế giả định 10%, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể giảm từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, khi mức thuế thực tế áp dụng lên hàng hóa Việt Nam được ghi nhận ở mức cao hơn nhiều (hiện 46%), tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP, thậm chí có thể còn nghiêm trọng hơn. Tương tự, tăng trưởng xuất khẩu – động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam – cũng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bất lợi. Theo phân tích, với kịch bản thuế suất 10%, tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm. Với mức thuế thực tế cao hơn, sự suy giảm này có thể gia tăng, dẫn đến giảm nguồn thu ngoại tệ và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán của Việt Nam.
Dòng vốn FDI: Việc Mỹ áp dụng mức thuế quan cao tạo ra môi trường thương mại thiếu ổn định, dự kiến sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn FDI vào Việt Nam. Mức thuế mới khiến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong vai trò điểm đến cho hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu – đặc biệt là đối với các mặt hàng nhắm vào thị trường Mỹ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia từng cân nhắc chuyển dịch chuỗi sản xuất sang Việt Nam để né tránh thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc, nay có thể phải xem xét lại quyết định này. Chi phí xuất khẩu gia tăng làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong vai trò trung tâm sản xuất khu vực, khiến các doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm các địa điểm thay thế có mối quan hệ thương mại ổn định hơn với Mỹ. Về dài hạn, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất – vốn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế – có nguy cơ chững lại. Đồng thời, việc duy trì các khoản đầu tư hiện hữu cũng trở thành thách thức khi doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ bị thu hẹp.
Tỷ giá: Sau quyết định áp thuế, tỷ giá USD/VND đã vượt 26.000 đồng/USD, mức cao nhất lịch sử. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên 24.854 đồng/USD, kéo theo biến động mạnh tại các ngân hàng thương mại. Về xu hướng chung gần đây, mặc dù Chỉ số đô la Mỹ (DXY) giảm do dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiệu suy yếu, đồng VND vẫn chịu áp lực mất giá. Áp lực tỷ giá vẫn duy trì ở mức cao phần lớn là do chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng của SBV, nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng của Chính phủ vào năm 2025 là 8%. Sau thông báo thuế quan đối ứng, tỷ giá VND/USD khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn trước những lo ngại về bất ổn kinh tế và sự sụt giảm trong hoạt động xuất khấu và dòng vốn FDI.
Tác động đến các ngành nghề
Ngành | Tác động |
Dệt may | Ngành dệt may, một trụ cột của kinh tế xuất khẩu Việt Nam với giá trị xuất khẩu sang Mỹ ước tính 35 tỷ USD mỗi năm, đặc biệt dễ bị tổn thương trước các mức thuế quan mới từ Mỹ. Với thuế suất tiềm năng, khả năng cạnh tranh về giá của hàng dệt may Việt Nam có thể bị suy giảm nghiêm trọng so với sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế thấp hơn hoặc không chịu thuế, như Bangladesh, Mexico, và Ấn Độ. Điều này có thể dẫn đến giảm đơn hàng từ các nhà mua Mỹ, gây ra suy giảm sản lượng và thậm chí đóng cửa nhà máy tại Việt Nam. Sự bất ổn trong quan hệ thương mại dài hạn giữa Mỹ và Việt Nam có thể tiếp tục làm giảm động lực đầu tư mới, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của ngành dệt may. |
Điện tử và linh kiện | Việt Nam đã trở thành trung tâm quan trọng trong sản xuất điện tử và linh kiện, đóng vai trò là điểm đến thay thế ngoài Trung Quốc cho các bộ phận điện thoại và máy tính. Nếu thuế quan khiến hàng điện tử sản xuất tại Việt Nam mất sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ, vị thế của Việt Nam như một trung tâm sản xuất trong ngành này có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến chuyển hướng đầu tư tương lai sang các khu vực có quan hệ thương mại thuận lợi hơn với Mỹ. Về lâu dài, ngành điện tử có thể phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu tác động từ thuế quan. |
Đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ | Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu đồ gỗ lớn sang Mỹ (chiếm hơn 25% tổng lượng đồ gỗ nhập khẩu của nước này vào năm 2023) và Mỹ cũng là thị trường lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 55% doanh thu xuất khẩu ngành. Thuế suất tiềm năng 25% đối với gỗ xẻ và sản phẩm lâm nghiệp, cùng thuế quan đối với đồ gỗ thành phẩm, có thể làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại Mỹ, khiến nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang các nguồn cung khác. Việc Việt Nam gần đây xóa bỏ thuế nhập khẩu gỗ Mỹ có thể là nỗ lực giảm căng thẳng, nhưng thuế quan đối ứng vẫn có thể gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất Việt Nam. |
Nông thủy sản | Trước thông báo thuế quan từ Mỹ, Việt Nam đã chủ động giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp Mỹ như ethanol, đùi gà đông lạnh, quả hồ trăn, hạnh nhân, táo tươi, anh đào, nho khô. Động thái này nhằm khuyến khích nhập khẩu từ Mỹ và giảm mất cân bằng thương mại song phương. Tuy nhiên, các mức thuế quan đối ứng từ Mỹ vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này. Dù một số mặt hàng như cà phê và hạt điều hiện được hưởng thuế suất thấp hoặc bằng 0 tại Mỹ, các mức thuế mới có thể thay đổi tình hình, đặc biệt với những sản phẩm bị Mỹ coi là nguyên nhân gây mất cân bằng thương mại, như thủy sản (tôm, cá tra). |
Bất động sản khu công nghiệp | Thuế quan mới của Mỹ có thể dẫn đến thay đổi trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty từng đa dạng hóa sản xuất sang Việt Nam để giảm rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nay có thể tìm4 kiếm địa điểm khác để tránh thuế quan áp lên hàng Việt Nam, dẫn đến việc di dời sản xuất khỏi Việt Nam sang các quốc gia có điều kiện thương mại thuận lợi hơn với Mỹ. Đồng thời sự bất ổn từ mức thuế quan lớn của Mỹ dự kiến sẽ làm giảm dòng vốn FDI vào Việt Nam và qua đó giảm nhu cầu đầu tư nhà xưởng và nhu cầu đối với hạ tầng KCN tại Việt Nam. |
Nguồn: PVI AM tổng hợp