Thị trường chứng khoán phái sinh – cơ hội và thách thức
20/06/2017Sau 2 năm Nghị định 42 về chứng khoán phái sinh (CKPS) được ban hành, dự kiến tháng 6 này hai sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu sẽ chính thức đi vào hoạt động. Tất cả các thành viên thị trường đều đang gấp rút chuẩn bị cho sự ra đời của sản phẩm mới, một sản phẩm cấp cao mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn vận hành thị trường trong khi các quốc gia trong khu vực đã hình thành khá lâu.
Cách đây 17 năm khi chúng ta đưa vào vận hành thị trường chứng khoán (TTCK), thời điểm đó nhà đầu tư còn rất bỡ ngỡ với khái niệm cổ phiếu, thanh khoản, giá trần, giá sàn, chỉ có 2 công ty niêm yết đầu tiên. TTCKPS ra đời thời điểm này cũng giống như 17 năm trước, nhưng với phương thức khác, trình độ nhà đầu tư cũng khác.
Sau 17 năm, thị trường đã phát triển rất nhiều mặt và đạt được mức độ ổn định và cũng bắt đầu đi vào chuyên sâu. Khi mà thị trường chứng khoán phát triển lên một mức độ nhất định thì đòi hỏi sự hoàn thiện tiếp theo của cấu trúc thị trường. Trong đó thị trường CKPS (TTCKPS) là mảng cần thiết để hoàn thiện bức tranh tổng thể của TTCK Việt Nam nói chung.
Nhìn vào lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán các nước, TTCKPS vào thế kỷ thứ 12, bắt đầu từ nhu cầu đảm bảo các tuyến hàng hóa luân chuyển ổn định tại Ý, thế kỷ 16 thị trường hàng hóa phát triển ở châu Âu, đến thế kỷ 18 – 19 cùng với sự thay đổi của thể chế tài chính, cơ chế thương mại thế giới thì xuất hiện nhu cầu sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thương mại và hoạt động kinh doanh tiền tệ. Và đến bây giờ hầu hết các TTCK trên thế giới đều triển khai TTCKPS.
Vậy chứng khoản phái sinh là gì? Nhà đầu tư (NĐT) có thể coi đây là công cụ đầu tư và sản phẩm đầu tư bình thường, NĐT khi muốn giao dịch chỉ cần mở tài khoản và cách thức đặt lệnh giống thị trường cơ sở. Điểm khác biệt là trên thị trường cơ sở tỷ lệ margin ở mức 50-50 nhưng trên thị trường phái sinh tỷ lệ margin lên đến 80-20, 70-30. Thứ hai, NĐT có thể bán tài sản khi chưa sở hữu nó, NĐT mua và bán tài sản ngay trong ngày (T+0), cơ chế mark to market nghĩa là cứ đến cuối ngày biết lỗ và lãi bao nhiêu, và lỗ lãi được hạch toán ngay trong tài khoản. Nếu NĐT lỗ phải nộp bổ sung thêm ký quỹ. Vấn đề NĐT cần lường trước đó là rủi ro tỷ lệ ký quỹ rất cao, có thể lỗ ngay lập tức, NĐT cần nhận thức rõ về rủi ro khi tham gia thị trường. Đối với NĐT nói chung đây vừa là cơ hội, vừa là rủi ro, vừa là công cụ phòng ngừa rủi ro.
Thị trường chứng khoán phái sinh có điểm khác biệt cơ bản gì với thị trường chứng khoán cơ sở?
Thứ nhất, thành viên tham gia thị trường CKPS có điểm khác so với thị trường cơ sở. Thành viên tham gia bù trừ thanh toán ở TTCKPS cần yêu cầu cao hơn về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và con người. Xét về vốn thì các thành viên bù trừ chung đáp ứng yêu cầu vốn trên 1.200 tỷ đồng, đây là nhóm được cung cấp dịch vụ cho khách hàng, chính mình và cả các đối tượng khác. Nhóm đối tượng là thành viên bù trừ trực tiếp chỉ cho khách hàng của mình và chính mình thì yêu cầu vốn thấp hơn, chỉ 900 tỷ đồng. Đối với ngân hàng thương mại thì yêu cầu là mức tương đương 5.000 – 7.000 tỷ đồng.
Thứ hai, về khía cạnh nhà đầu tư khi tham gia thị trường CKPS, trước khi thực hiện giao dịch phải mở tài khoản ký quỹ tại các thành viên bù trừ để thực hiện ký quỹ cho Trung tâm lưu ký (VSD). Tài sản ký quỹ nộp lên VSD thông qua thành viên bù trừ, có thể bằng tiền hoặc chứng khoán. Nếu bằng tiền thì quy định cụ thể là tối thiểu là 8% giá trị tài sản cơ sở, phần còn lại có thể là chứng khoán nhưng phải trong danh mục chứng khoán cho phép làm tài sản đảm bảo theo quy định của VSD. Khi hoàn thành việc thực hiện ký quỹ thì nhà đầu tư mới được thực hiện giao dịch. Lệnh giao dịch của nhà đầu tư sẽ được các thành viên giao dịch chuyển vào hệ thống hàng ngày trong phiên giao dịch khi mà kết quả giao dịch được thực hiện xong, VSD sẽ nhận kết quả giao dịch từ các Sở giao dịch chuyển về và thực hiện thế vị. Thế vị là giao dịch gốc của hai nhà đầu tư khớp nhau trên hệ thống chuyển về VSD thì VSD thực hiện chuyển thành giao dịch của nhà đầu tư bên bán với VSD và của nhà đầu tư bên mua với VSD. Lúc này, VSD trở thành đối tác trung tâm của các bên giao dịch. Với cơ chế thế vị này, VSD trở thành đối tác chính thức của các đối tượng giao dịch và là bên chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ giao dịch, trong trường hợp bên còn lại mất khả năng thanh toán thì VSD vẫn phải thanh toán. Để làm việc này thì VSD phải đặt ra rất nhiều cơ chế để hoạt động trở nên thông suốt và thành viên bù trừ phải nộp phí bù trừ cho VSD. Hiện nay, công ty chứng khoán đã đăng ký thành viên bù trừ trực tiếp phải nộp giá trị tài sản ban đầu là 10 tỷ đồng và thành viên bù trừ chung là 15 tỷ đồng cho VSD. Đây chỉ là đóng góp ban đầu.
Thứ ba, thanh toán của TTCKPS khác với giao dịch cơ sở. Hiện nay, trên TTCK cơ sở, thời hạn thanh toán là trong 2 ngày. Tuy nhiên, do tính chất của hợp đồng thời hạn trên TTCKPS có thể là 1, 2, 3 hay 6 tháng theo thiết kế sản phẩm nên nghĩa vụ thanh toán đến đáo hạn với kỳ hạn ngắn nhất 1 tháng cũng là cuối tháng. Bởi vậy, cần có cơ chế đảm bảo cho nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch đầu tháng nhưng cuối tháng mới thanh toán thực hiện nghĩa vụ. VSD sẽ theo dõi biến động giá liên tục để xác định mức ký quỹ của nhà đầu tư có đủ để thực hiện giao dịch tiếp hay không, đồng thời sẽ có cảnh báo và có cơ chế kỹ thuật để chặn ngay không cho giao dịch tiếp.
Như vậy, đối với thị trường Việt Nam, đây là thời điểm chín muồi và đủ thận trọng cho sự ra đời của CKPS nhằm đem lại cơ hội cho nhà đầu tư trong hoạt động giao dịch. TTCKPS khai sinh ra đáp ứng rất nhiều nhu cầu của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Thứ nhất là phòng ngừa rủi ro. Khi nhà đầu tư có công cụ để hạn chế được rủi ro, nhà đầu tư sẽ yên tâm đổ nhiều nguồn lực hơn về thị trường, điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm các nguồn lực đầu tư đang còn tiềm ẩn. Thứ hai là kinh doanh đầu cơ dựa vào biến động giá thị trường. Thứ ba là khi tham gia TTCKPS, nhiều định chế tài chính có định mức tín nhiệm tốt hơn, như một ngân hàng muốn cấp tín dụng cho một định chế mà họ có công cụ phòng ngừa rủi ro họ sẽ có điều khoản vay tốt hơn. Cuối cùng là TTCKPS ra đời giúp nhà đầu tư chuyên nghiệp như công ty quản lý quỹ đa dạng hóa sản phẩm tốt.
Giá trị của TTCKPS chịu ảnh hưởng rất lớn của TTCK cơ sở, nên mối quan hệ giữa TTCKPS và cơ sở tư hữu với nhau. TTCKPS ra đời thì thị trường cơ sở sẽ phát triển hiệu quả hơn. TTCKPS thể hiện kỳ vọng của các NĐT nhìn nhận về TTCK cơ sở, làm cho giá hàng hóa cơ sở mang tính thị trường hơn. Đến thời điểm này, khi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, TTCKPS ra đời sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam.
Tổng hợp từ Báo NDH