Nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017
04/07/2017Tổng quan nền kinh tế
Kinh tế – xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có chuyển biến theo hướng tích cực với đà tăng trưởng khả quan từ kinh tế Mỹ và các nước phát triển. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng quý II cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%. Trong mức tăng 5,73% của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ tăng 6,85%, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.
Lạm phát cơ bản tháng 6/2017 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54% (mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây) cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cùng với thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện đáng kể. Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,8%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng ước tính tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 30%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
Thị trường chứng khoán
Theo đà hồi phục từ năm 2016, Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua nửa đầu của năm 2017 với những diễn biến rất khởi sắc. Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Đến 30/6/2017, chỉ số VNIndex đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây (776,47 điểm), tăng 16,8% so với đầu năm 2017 và HNX-Index tăng 23,7% lên 99,14 điểm. Vốn hóa thị trường trong nửa đầu năm 2017 tăng rất mạnh so với thời điểm cuối năm 2016. Tổng vốn hóa thị trường niêm yết trong năm 2017 đạt gần 2,08 triệu tỷ đồng (93,6 tỷ USD), tăng 445,4 nghìn tỷ đồng (27%) so với cuối năm 2016. Thanh khoản tăng mạnh, riêng trong tháng 5/2017, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu đạt 5.778 tỷ đồng, cao hơn giá trị giao dịch bình quân 5 tháng khoảng 34% và gần gấp đôi mức giao dịch bình quân của năm 2016.
Các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục đánh giá cao môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt sau những cam kết của Chính phủ về giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đợt đánh giá gần đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng triển vọng của Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực” cũng bởi những lý do này. Chỉ số CDS của Việt Nam đồng thời đang trên đà giảm về mức gần thấp nhất kể từ năm 2007, cho thấy mức độ rủi ro đang được đánh giá giảm dần.
Mặc dù VNIndex đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, định giá PE thị trường thực tế vẫn chỉ xoay quanh mức khoảng 16 lần. Mức định giá này được xem là tương đối hấp dẫn nếu so sánh với các thị trường khác như Ả Rập, Malaysia, Indonesia, và Philippine.
Theo kế hoạch, Quý 3/2017 Bộ Tài chính sẽ đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Các sản phẩm chứng khoán phái sinh sẽ được nghiên cứu và phát triển theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của TTCK.
Việc đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào vận hành sẽ giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán cơ sở phát triển, là công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư và củng cố lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã có những thay đổi hết sức mạnh mẽ. Quy mô của thị trường đã tăng trưởng hơn 300% từ năm 2009-2017. So với GDP thì tổng dung lượng của cả TPCP và trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm khoảng 25-26% GDP. Mặc dù tốc độ phát triển nhanh nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực (chiếm khoảng 40-50% GDP).
Tổng giá trị giao dịch trái phiếu bình quân toàn thị trường 5 tháng đầu năm 2017 là 11 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với bình quân năm 2016 (8.600 tỷ đồng). Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa bứt phá phát triển do có nhiều vướng mắc tồn tại, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi muốn huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Như vậy, với sự phát triển hiện nay, thị trường trái phiếu Việt Nam được nhìn nhận là còn nhiều dư địa và việc khai thác được hết những lợi thế hiện tại trông chờ rất nhiều vào chính sách quản lý và điều hành của cơ quan chức năng.
Phó phòng KSNB & GSTT