Ngành quản lý quỹ: Điểm sáng từ những tên tuổi non trẻ
24/11/2020Ngành quản lý quỹ tại Việt Nam bắt đầu hình thành kể từ năm 2003 với sự ra đời của Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam). Đến nay, số lượng, quy mô tài sản cũng như loại hình quỹ đầu tư đã phát triển và có nhiều thay đổi.
Công ty lớn, lâu năm cũng thua lỗ
Toàn thị trường hiện có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động và 3 công ty đang nằm trong diện kiểm soát và giải thể. Mặc dù số lượng không phải là lớn và mức độ cạnh tranh ở mức trung bình, nhiều công ty quản lý quỹ có thâm niên lâu năm vẫn đang thua lỗ hoặc thậm chí không có quỹ.
Thống kê 20 công ty quản lý quỹ có quy mô lớn nhất cho thấy trong 9 tháng đầu năm, có 4 công ty đang trong tình trạng thua lỗ.
Là công ty quản lý quỹ có quy mô tổng tài sản lớn, Vietinbank Capital lại đang đứng đầu về mức thua lỗ 9 tháng (-17,5 tỷ đồng). Hiện tại, Vietinbank Capital đang quản lý Quỹ đầu tư trái phiếu Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VTBF). Tính đến ngày 5/10, giá trị NAV trên 01 chứng chỉ quỹ của VTBF đang giảm -0,7% so với hồi đầu năm.
Những công ty lâu năm khác cũng đang thua lỗ trong 9 tháng còn có Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital – VCFM (-3,4 tỷ đồng), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt – VCAM (-9,7 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A – IPAAM (-0,87 tỷ đồng).
Các công ty trẻ bứt phá mạnh mẽ
Ở mặt tích cực, vẫn có nhiều công ty quản lý quỹ đang làm tốt vai trò của mình, trong đó có cả các công ty có tuổi đời còn khá trẻ.
Trong 9 tháng đầu năm, ngoài những tên tuổi lâu năm có lợi nhuận ổn định như Techcomcapital, EIFMC, BVF, Manulife, MB Capital, đáng chú ý còn có các gương mặt trẻ như DFVN và PVI AM.
DFVN – Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam đang quản lý 2 quỹ gồm quỹ mở DFVN-FIX mới được cấp giấy phép trong tháng 10 và quỹ mở DFVN-CAF thành lập tháng 1/2019. Lợi suất đầu tư của DFVN-CAF tính từ đầu năm là -2,12%. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế 9 tháng của DFVN vẫn đạt 20,4 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ nhờ gia tăng giá trị danh mục ủy thác và lãi tiền gửi ngân hàng.
PVI AM – Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI là công ty quản lý quỹ “trẻ” nhất với tuổi đời chỉ mới 5 năm. Được cấp phép thành lập từ năm 2015, PVI AM hiện đã vượt nhiều “đàn anh” trong ngành với chỉ số ROA và ROE 9 tháng lần lượt ở mức 7% và 8,8%.
PVI AM đang trực tiếp quản lý Quỹ Đầu tư cơ hội PVI (POF) và Quỹ Đầu tư hạ tầng PVI (PIF), đồng thời cũng quản lý danh mục và tư vấn đầu tư với tổng giá trị danh mục gần 10.000 tỷ đồng – là một trong số 10 công ty quản lý quỹ có giá trị ủy thác và tư vấn lớn nhất trên thị trường.
Trong khi nhiều quỹ vẫn chưa thoát khỏi cảnh hiệu suất âm sau 9 tháng thì POF và PIF đang mang lại hiệu suất rất tốt, đạt 12,7% và 8,6%.
POF được cấp phép hoạt động vào tháng 10/2015 và đang tập trung đầu tư vào các sản phẩm có thu nhập cố định cùng các cổ phiếu cơ bản trong ngành điện, nước – là những ngành thiết yếu ít chịu ảnh hưởng bởi thị trường và dịch bệnh. Còn PIF mới hoạt động từ 2017 và đầu tư vào các công ty kinh doanh hạ tầng, bất động sản.
Có thể thấy, trong bối cảnh diễn biến thị trường còn nhiều biến động, kèm theo đó là những rủi ro khó lường, việc tái cơ cấu danh mục, tập trung vào các sản phẩm mang lại lợi tức ổn định nhằm “trú bão” đang mang lại hiệu quả tốt nhất cho các quỹ đầu tư.